Một số doanh nghiệp dệt may đề nghị nới lỏng cách ly
Vừa giãn cách, vừa tổ chức sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp dệt may “đứng ngồi không yên” bởi sản xuất không hiệu quả trong khi thời gian hoãn giao hàng chỉ có hạn.
Ở làn dịch thứ 4, Công ty CP May Đáp Cầu có 1 ca dương tính với Sars-CoV-2 ngay lập tức công ty đã thực hiện cách ly, xét nghiệm cho người lao động, khử khuẩn nhằm dập dịch. Sau 3 tuần công ty đã không phát sinh ca mắc mới.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp vẫn sản xuất rất tích cực. Cho đến khi UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ làm việc để phòng Covid-19 lây lan (theo Thông báo kết luận số 56/TB-UBND), thì người lao động của May Đáp Cầu không chịu tới nơi làm việc. “Chúng tôi vận động họ cách nào cũng không nổi”, ông Lương Văn Thư – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP May Đáp Cầu – nói.
Ông Lương Văn Thư cũng cho biết: Cho dù lao động có đi làm cũng chỉ được chưa tới 50% số máy hoạt động, cộng với chi phí đắt đỏ để xét nghiệm hàng tuần cho người lao động. Sản xuất trong điều kiện như vậy thì không hiệu quả, May Đáp Cầu đã buộc phải dừng sản xuất từ ngày 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu và từ ngày 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong.
Doanh nghiệp dệt may đề nghị nới lỏng cách ly nhằm ổn định tổ chức sản xuất
Như lời lãnh đạo May Đáp Cầu, doanh nghiệp đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở” chưa từng xảy ra trước đây. Doanh nghiệp đang đàm phán để giãn thời gian giao hàng nhưng không được lâu, chuyển đơn hàng đi nơi sản xuất khác nhưng tình hình cũng ngoài tầm kiểm soát. “Mọi thứ cực kỳ khó khăn và chúng tôi chưa có giải pháp nào khả dĩ có thể thực hiện ngay để giải quyết các đơn hàng. Tình hình cách ly quá nghiêm ngặt chúng tôi không thể xoay sở được”, ông Lương Văn Thư nói.
May Đáp Cầu đã gửi đơn đi các nơi đề nghị nới lỏng cách ly nhưng chưa được đáp ứng và cũng không cách nào tổ chức sản xuất được. Ông Lương Văn Thư lo lắng: “Trong trường hợp cuối tháng 6/2021, mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại được thì May Đáp Cầu mới có thể trụ lại, bằng không thì nguy cơ phá sản là điều khó tránh”.
Doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP cũng gặp tình trạng tương tự khi có người lao động dương tính với Sars-CoV-2. Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP, đặc điểm của May Hưng Yên là một số doanh nghiệp thành viên có người lao động sống rải rác ở các khu dân cư tại nông thôn, nơi đang phát dịch. Trong trường hợp có ca nhiễm dịch, phong toả nhà máy, doanh nghiệp sẽ không giao hàng kịp tiến độ. Khi đó, thiệt hại cho đối tác mà doanh nghiệp cũng không thu được tiền gia công, ảnh hưởng đến dòng tiền.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng mong muốn: Nếu trong trường hợp có người lao động dương tính với Covid-19 thì hãy khoanh vùng, cách ly, dập dịch chứ không nên phong tỏa cả nhà máy sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cần vừa sản xuất, vừa chiến đấu với dịch.
Kết thúc 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của ngành dệt may vẫn giữ được đà tăng trưởng, đem lại hy vọng quay trở lại mức tăng trưởng như năm 2019. Tuy nhiên, làn dịch thứ 4 với điểm nóng là các khu công nghiệp lại khiến doanh nghiệp dệt may rơi vào “chảo lửa”. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thực hiện giãn cách, tạm dừng sản xuất. Phân tích về tình hình của ngành thời điểm hiện tại, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho rằng: Tình hình phức tạp hơn khi thế giới đã vận hành bình thường, đã có các hợp đồng kinh tế, thời gian giao hàng cụ thể, trách nhiệm rõ ràng gắn với nhà sản xuất. Do vậy, việc dừng sản xuất, giao hàng chậm, dù là do yếu tố khách quan thì vẫn là nội dung cần thương lượng kỹ với người mua để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía. Đơn cử, khi bị chậm sản xuất, mà phải đổi việc vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không thì doanh nghiệp may chắc chắn lỗ cho đơn hàng đó.
Do vậy, ngoài được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ổn định sản xuất, doanh nghiệp dệt may mong muốn sớm được tiếp cận nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. “Nếu thiếu vaccine, không miễn dịch được cộng đồng, chúng tôi rất căng thẳng và phải tổ chức sản xuất theo phương pháp giãn cách, không hoạt động đủ công suất thiết kế gây nhiều hệ lụy về kinh tế”, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương